Mỹ và Nhật Bản đã cảnh báo Bắc Kinh vì “hành vi ép buộc và gây bất ổn” vào hôm thứ Ba, sau các cuộc đàm phán ngoại giao và quốc phòng cấp cao nhất nhằm củng cố liên minh của họ chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Người đứng đầu Pentagon, Lloyd Austin và nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Antony Blinken đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên, bắt đầu vào thứ Hai tại Nhật Bản, tìm cách củng cố các liên minh trong khu vực và gửi thông điệp tới Bắc Kinh. Họ sẽ tiếp tục tới Hàn Quốc và việc chính quyền mới xem xét lại chính sách về cách tiếp cận với Bình Nhưỡng cũng là một phần quan trọng trong hoạt động tiếp cận ngoại giao.
Các cuộc thảo luận ở Tokyo tập trung vào Trung Quốc, bao gồm sự hiện diện ngày càng tăng của nước này xung quanh các đảo tranh chấp với Nhật Bản, cũng như tình hình ở Đài Loan và Hồng Kông.
Trong một tuyên bố chung, các quan chức Mỹ và người đồng cấp Nhật Bản cảnh báo rằng “hành vi của Trung Quốc, gây ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Các bộ trưởng cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với những người khác trong khu vực”.
Blinken nói trong cuộc họp báo chung: “Chúng tôi đoàn kết trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân theo các quy tắc, hợp tác và giải quyết những vấn đề theo một cách hòa bình”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ đẩy lùi nếu cần thiết, khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc hoặc gây hấn để giành lấy con đường của mình.
Blinken cáo buộc quân đội Myanmar “âm mưu lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ”, đồng thời cho rằng họ “đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa”.
Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về tuyên bố mới nhất từ Triều Tiên, nơi chị gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm thứ Ba đã cảnh báo Washington chống lại việc “đấu tranh để lây lan mùi thuốc súng trên đất liền từ bên kia đại dương”.
Tuyên bố chung một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, cảnh báo kho vũ khí của Triều Tiên “gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định quốc tế”.
Blinken cho biết Washington vẫn đang xem xét “liệu các biện pháp gây áp lực bổ sung khác nhau có thể hiệu quả hay không, liệu có những con đường ngoại giao hợp lý hay không” khi họ xem xét chính sách của Mỹ về vấn đề này.
“Chúng tôi đã liên hệ với chính phủ Triều Tiên thông qua một số kênh, bắt đầu từ giữa tháng Hai, bao gồm cả ở New York. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng. Điều này xảy ra sau hơn một năm không có đối thoại tích cực với Triều Tiên, bất chấp nhiều nỗ lực can dự của Hoa Kỳ” ông nói thêm.
Quyết định cử hai quan chức hàng đầu tới châu Á của Tổng thống Joe Biden được coi là bằng chứng cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc thiết lập chương trình nghị sự với Bắc Kinh. Ngay cả trước khi Blinken và Austin lên đường, họ đã nói rõ trong một văn bản ý kiến chung rằng việc chống lại các động thái của Bắc Kinh trong khu vực sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Các bộ trưởng cũng đề cập cụ thể đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh các đảo Senkaku, được Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Blinken và Austin đang ở châu Á sau hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo của liên minh Quad, bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, và Austin sẽ tiếp tục đến New Delhi sau Seoul. Blinken sẽ hội đàm với các quan chức Trung Quốc tại Hoa Kỳ sau chuyến dừng chân ở Seoul.